Cách đây không lâu, khi tôi đang có chuyến công tác tại Quảng Ninh thì nhận được điện thoại từ một người bạn nói rằng có một người đồng hương với tôi đang cần được cộng đồng hỗ trợ, họ bị tai nạn và hoàn cảnh rất khó khăn.
Tôi xin thông tin liên lạc rồi liên hệ đến họ, đó là gia đình chị Thơm. Qua điện thoại tôi được biết chồng chị – anh Thủy, bị tai nạn hôm mùng 10 tháng Giêng, hiện tại thì anh Thủy đang được hồi phục chức năng tại khoa ngoại thần kinh của bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định, chờ thời gian sức khỏe ổn định rồi quay trở lại Hà Nội để thực hiện mổ ghép mô sọ.

Chị Thơm đang ngồi bóp chân tay, vận động nhẹ nhàng cho anh Thủy.
Anh Thủy có xe lôi chuyên để chở vật liệu thuê, hôm đó anh vừa chở xong một chuyến hàng từ xã Giao An (Giao Thủy, Nam Định) về để tiếp tục chở thêm chuyến hàng nữa. Đến đoạn đường cầu giao giữa Giao An và Giao Thanh, do tránh một người đi ngược đường sang làn đường của anh nên xe anh bị lao xuống sông, đầu thì bị đập vào thành cầu, người thì bị xe đè chặt xuống nước. Dân làng quanh đó phải mất một lúc lâu mới lật được xe để đưa anh Thủy vào bệnh viện huyện Giao Thủy để cấp cứu, do bị chấn thương nặng, lại bị ngâm nước lâu nên anh được chuyển lên bệnh viện đa khoa của tỉnh Nam Định, rồi tiếp tục lại được đưa lên bệnh viện Bạch Mai.
“Các bác sỹ tại bệnh viện Bạch Mai khi đó cho biết tình trạng nguy kịch của anh Thủy, bảo gia đình hãy chuẩn bị tâm lý, anh bị chấn thương sọ não, vỡ một phần xương thùy trái, phổi chướng tràn dịch. Lúc đó chị bất thần lắm, chân thì chẳng còn đứng được vững, phải nhờ những người trong gia đình và người thân của các bệnh nhân khác dìu giữ. Mọi người ai cũng bảo anh chắc sẽ không qua khỏi và chị cũng nghĩ là như vậy, vì khi đó trông anh sợ lắm, đầu thì băng bó kín, người thì chương phềnh lên, chỉ chẳng biết làm sao, chỉ biết cầu Trời, lạy Phật mà thôi” – Chị Thơm chia sẻ.
Sau hai giờ ngóng trông chờ đợi từ ngoài phòng mổ cấp cứu, gia đình chị Thơm nhận được thông tin từ các bác sỹ bước ra từ phòng mổ: “Qua cơn nguy kịch rồi! Ổn rồi!”. Anh Thủy được phẫu thuật phần xương sọ vỡ và phẫu thuật ngang hai cạnh sườn để hồi phục phần phổi chướng dịch. Đó là niềm vui không thể lột tả với chị Thơm, một sức sống mới tràn dậy trong con người mềm nhược.
Nhân dịp cuối tuần, tôi trở về Nam Định vừa để thăm gia đình tôi và vừa ghé qua bệnh viện tỉnh để hỏi tình hình của anh Thủy. Trước đó, tôi cũng đã điện tới một người bạn của tôi đang làm trong bệnh viện Bạch Mai thì được biết thêm anh Thủy không có bảo hiểm y tế, mọi chi phí điều trị cấp cứu được gia đình vay mượn từ họ hàng ở quê. “Đúng là cũng khổ, anh ấy có được con đường sống thứ hai nhưng giờ gia đình lại phải chạy ngược xuôi vay tiền, gia đình đã khó khăn giờ lại tiếp tục thêm khó khăn, cũng biết làm sao được, cứ phải tiếp tục cùng vượt qua thôi, có lại cuộc sống là vui mừng nhất rồi.” – Người bạn của tôi chia sẻ qua điện thoại với tôi.

Tôi đến thăm sức khỏe anh Thủy và động viên gia đình.
Về tới bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định, tôi đến phòng cấp cứu của khoa ngoại thần kinh, nơi mà anh Thủy đang nằm hồi phục, phòng chỉ có duy nhất anh là bệnh nhân và có thêm mẹ con chị Thơm nữa. Chị Thơm đang ngồi bóp chân tay, vận động nhẹ nhàng cho anh Thủy, điều đầu tiên mà tôi nhận ra đó là gương mặt xuống sắc, mệt mỏi và đầy suy nghĩ của chị Thơm.
Gian phòng bệnh tối do thiếu ánh sáng làm bừng lên những tâm trạng khó tả trong tôi, tôi vẫn nhìn rõ được những vết khâu hằn dài trên đỉnh đầu anh, tay anh hay cho lên đầu bởi cảm giác khó chịu của chấn thương, tiếng thở thì cứ khàn khạc. Tôi đến lại gần chào anh, nói cho anh biết tên của tôi, rồi tôi cũng nói cho anh biết là tôi cũng là người trong xã, cách nhà anh không xa, anh cố gượng hơi gật đầu để chào lại tôi, lúc đó tôi nghĩ đến sức khỏe của anh như vậy là đang hồi phục nhanh rồi, sau đó ngồi nói chuyện với chị Thơm.
Anh chị có một căn nhà nhỏ ở xóm 5, xã Hồng Thuận (Giao Thủy, Nam Định), cùng xã với tôi, cách nhà tôi chừng 4km. Anh Thủy làm lái xe lôi chở thuê vật liệu quanh huyện, chị Thơm thì ở nhà làm nghề rửa xe, cũng ít xe rửa lắm, đa phần thời gian là “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” với nghề làm ruộng. Anh chị có hai đứa con, đứa lớn thì anh chị cố gắng học hết lớp 9 để kiếm cái bằng cấp 2, rồi cho lên Hà Nội học nghề, làm thuê, còn đứa út thì đang học lớp 6.
– Cháu lớn nhà chị về đây lâu chưa? – Tôi hỏi chị khi có cả đứa con lớn của chị đang ngồi trong phòng.
– Từ hôm anh bị là cháu nó ở chăm sóc rồi chú ạ! Hai mẹ con cứ người thì thức, người thì nghỉ tạm, thay nhau ở đây, chị cũng bảo cháu nói lại với nơi cháu làm cho xin nghỉ vài tuần, chứ giờ mà nó đi làm, cũng kiếm thêm được đồng tiền đấy, nhưng mình chị thì chẳng đủ sức được chú ạ.
– Thế đứa út nhà chị thì sao? Giờ ở với ông bà ạ?
– Nhà nội chuyển vào Nam ở rồi, cháu giờ ở nhà một mình thôi, cháu ở nhà vẫn đi học, trưa về thì chị nhờ hàng xóm nấu hộ cơm cho cháu ăn, còn tối thì dì của cháu ở ngoài Giao Thiện đón ra nhà ngoại ở ngoài đó để ngủ.
Đang ngồi nói chuyện, anh Thủy lên cơn ho dài muốn thở, anh cứ dằn người rồi rướn cổ lên, chị Thơm và đứa con lớn của anh chị lại vuốt ngực, vuốt lưng cho anh. Tôi nhìn mà thấy xót cho anh, thương cho mẹ con của chị quá! Qua cơn khó chịu của anh, tôi và chị Thơm lại tiếp tục trò chuyện, chị cho biết thêm: “Hôm anh tỉnh dậy, anh hỏi chị sao lại ở đây làm gì, anh không biết mình bị tai nạn, nhưng dần nghe loáng thoáng được mọi người vào thăm mới biết đấy, rồi chị kể cho anh nghe mọi chuyện. Anh từ hôm đó đến giờ mỗi ngày cũng chỉ nói được vài câu thều thào, mọi người vào cũng nhận ra đấy, nhưng chốc lại quên”. Điều đó cũng là đúng thôi, khi anh vừa bị một chấn thương nặng như thế ở đầu, đang giai đoạn đầu của sự hồi phục mọi thứ nên phần trí nhớ và thần kinh vẫn chưa được ổn định. Tôi nói chuyện thêm về bảo hiểm của anh thì được biết chị đã nhờ người ở quê làm cho giúp: “Cũng phải nhờ làm thôi chú ạ! Chú bảo một ngày năm viện đến gần 3 triệu thế thì sao mà chịu được, làm được cái bảo hiểm thì hi vọng sẽ được hỗ trợ nhiều hơn, đỡ tốn kém hơn, kinh tế vừa rồi chị cũng đã vay mượn của gia đình, hàng xóm nhiều rồi, cứ được đồng nào, hay đồng đấy chú ạ, còn chờ cho anh hồi phục để còn mổ ghép mô sọ nữa!”.
Cả một nửa buổi chiều cuối tuần tôi ngồi nói chuyện với chị, cứ một lần tôi hỏi là một lần chị lại ngấn nước mắt. Cũng đã là chiều muộn, tôi phải trở lại về quê, nơi mà bố mẹ tôi đang đợi đứa con đi làm xa trở về, cũng như anh chị vậy, mọi người ở quê cũng đang mong ngóng anh bình phục nhanh để trở về bên gia đình, bên hàng xóm thân yêu. Chào tạm biệt anh chị, tôi cầu mong anh sớm bình phục và hẹn một ngày gần đây nhất sẽ trở lại thăm, tôi hi vọng sẽ có nhiều sự hỗ trợ đến với anh chị để bớt đi “những khó khăn đang chồng chất khó khăn”.
Mọi thông tin hỗ trợ về gia đình anh chị Thơm Thủy, xin liên hệ:
– Phòng cấp cứu (301) Khoa ngoại – Thần kinh, Bệnh viên Đa khoa tỉnh Nam Định.
– Đặng Văn Bắc – Kẻ lữ hành đi ngược dòng sông: 093 2222 382