Nhân dịp Quốc tế thiếu nhi 1/6 và hưởng ứng tháng hành động Vì trẻ em năm 2015, tôi cùng hai người bạn đến thăm bé Phạm Bá Hưởng – một cậu bé cùng quê với tôi và đang điều trị u não ở khoa Nhi, Bệnh viện K3 Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội.
Phạm Bá Hưởng năm nay 12 tuổi, cũng cùng chạc tuổi với một đứa cháu trai của tôi, nó thì được cắp sách đến trường, nô đùa cùng bạn học và được tận hưởng kỳ nghỉ hè dài để đi chơi cùng gia đình, còn Hưởng thì không được như vậy, gia đình Hưởng là gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thuộc hộ nghèo của xã Giao Hà, Giao Thủy, bố Hưởng vì cám dỗ xã hội nên sa đà nghiện ngập, và đang trong thời gian cai nghiện, bản thân Hưởng khi đang học lớp 3 thì được phát hiện có 1 khối u trong não, đành phải nghỉ học, lên Hà Nội để mổ khối u, hiện tại khối u đó đang di căn sang tủy nên phải điều trị hóa chất.
Tôi và bé Hưởng
Khi chúng tôi đến phòng điều trị của bé Hưởng thì được mẹ của Hưởng – chi Nhài, cho biết là Hưởng đang xem xiếc, ảo thuật với bạn bè, cũng là những đứa trẻ đang điều trị u ở viện, do một đơn vị từ thiện tổ chức, chúng tôi nhờ chị Nhài gọi Hưởng lên phòng để được gặp. Trước mắt chúng tôi là một hình ảnh cậu bé Hưởng hồn nhiên và ngây thơ lắm, luôn mỉm cười khi nói chuyện với chúng tôi, nhưng nào ai biết rằng, mỗi lần Hưởng được truyền hóa chất là cơ thể lại suy yếu, phải chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo.
Hưởng cũng khá là vui khi ở đây, vì được chơi nhiều, cũng có nhiều bạn mới nữa, nhưng không bằng được ở nhà, vì ở nhà, Hưởng được chơi với em trai nữa. Hưởng có một người em trai năm nay mới 5 tuổi, bị mắc bệnh sa ruột, hai anh em ở nhà thương nhau lắm, em Hưởng hay xoa lưng, bóp chân cho Hưởng mỗi khi Hưởng lên cơn đau.
Hai người em là những người bạn đi cùng tôi, hiện đang tham gia trong CLB Thanh niên tình nguyện Giao Thủy.
Trò chuyện với chúng tôi một lát, Hưởng lấy ra một cuốn truyện sách để ở đầu giường bệnh để đọc, Hưởng khẽ dở từng trang, lẩm bẩm đọc từng chữ theo hướng chỉ tay. Hưởng cũng như bao đứa trẻ khác, Hưởng có ước mơ, Hưởng muốn được học, rồi trở thành bác sỹ để rồi điều trị cho những người bị u như Hưởng bây giờ.
Quay trở lại với chị Nhài – mẹ bé Hưởng, một người phụ nữ có làn da ngăm ngăm đen. Trước đó, tôi cũng được biết chị Nhài đưa bé Hưởng lên viện vào cuối tuần, để sang đầu tuần truyền hóa chất cho bé Hưởng. Tôi hỏi:- Chị và cháu đi lên đây bằng ô tô chứ ạ? Chị Nhài trả lời:- Hai mẹ con nào dám đi ô tô, đi xe máy thôi, nếu gấp quá mới phải đi ô tô các chú ạ! Đi xe máy còn có cái mà ăn, chứ đi ô tô thì…”. Tôi ngạc nhiên hỏi tại sao lại thế, chị tiếp lời:- Có xe máy thì chị còn có phương tiện để mà kiếm tiền chứ chú!
Chị Nhài – Người mẹ tần tảo, hi sinh vì gia đình.
Qua trò chuyện, chúng tôi được biết, chị Nhài tranh thủ thời gian, trừ những lúc bé Hưởng truyền hóa chất, chị làm thêm rửa bát, quét dọn ở mấy quán ăn gần viện, để kiếm bữa cơm cho hai mẹ con, rồi cũng có lúc làm chân chạy xe ôm cho các bệnh nhân trong bệnh viện và người nhà của họ nữa. Chị nói: “Họ cũng là người bệnh, rồi người chăm sóc bệnh nhân, chị chỉ lấy đủ tiền xăng xe thôi, nhiều người cũng thấy thương, họ cũng cho chị thêm vài chục nghìn nữa. Nói chung là cứ việc là chính đáng, không phạm pháp, là chị làm thôi!”.
Khuôn mặt chị Nhài khắc khổ lắm, những vết chai sạn trên đôi bàn tay vất vả sớm hôm, những dòng nước mắt chảy ngược vào tim, những lỗi lo chất chứa trong lòng gánh lên đôi vai gầy để lo lắng cho sức khỏe của Hưởng từng ngày.
Tại viện K3 Tân Triều, chúng tôi gặp nghệ sỹ “Khuỳnh trọc” – Hán Văn Tình, cùng với đoàn CumarGold tới viện thăm và tặng quà những bệnh nhân nhi đang điều trị ung thư tại đây. Trước đó không lâu, chú ấy đã được xuất viện sau gần 2 tháng nằm viện điều trị ung thư phổi, sức khỏe của chú như chúng tôi được biết thì đã hồi phục được khoảng 80%, giờ chú ấy thường xuyên xuất hiện ở những nơi có bệnh nhân ung thư để chia sẻ, giúp những bệnh nhân ung thư tự tin vào cuộc sống.
Chụp ảnh kỷ niệm với nghệ sỹ Hán Văn Tình
Gặp chú Tình, tôi chợt lóe lên một suy nghĩ: “Giá mà sự ủng hộ cho bé Hưởng như những gì cộng đồng ủng hộ cho chú ấy thì hay biết mấy!”. Tôi nghĩ đó không chỉ là cái mong muốn riêng của cá nhân tôi, mà tất cả những ai biết về bé Hưởng đều sẽ suy nghĩ như thế. Tôi tin chắc rằng sẽ có nhiều những mạnh thường quân mang lòng nhân ái tới bé Hưởng và gia đình.
Chúng tôi là những người giàu có, không phải là giàu theo nghĩa tiền bạc mà giàu về tình cảm, giàu về sự sẻ chia, chúng tôi cũng muốn kêu gọi mọi người hướng nhiều hơn tới những hoàn cảnh bệnh tật khó khăn như trường hợp của bé Hưởng.
Hãy cứ hồn nhiên và luôn cười nhé bé Hưởng!
Kẻ lữ hành đi ngược dòng sông
Viết trong dịp hưởng ứng tháng hành động Vì trẻ em năm 2015