5,1K
Trên đời, ai cũng có người cha, họ là một trong những người thân trong gia đình mà mỗi chúng ta yêu thương nhất, dành những tình cảm sâu đậm nhất. Có thể tình yêu dành cho cha không bằng mẹ, có thể sự chăm sóc từ mẹ lớn hơn cha, nhưng công cha nhiều lắm, ai trong chúng ta cũng biết điều đó.
Cha tôi
Cha tôi trước đây là thanh niên xung phong tham gia trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sau khi đất nước được hòa bình, ông trở lại quê hương làm việc trong một xí nghiệp sản xuất gạch ở gần nhà. Lúc đó, ông có mua một chiếc công nông đầu dọc để vận chuyển gạch từ xí nghiệp tới những nơi mà người ta mua về để làm xây dựng. Tôi được nghe kể lại từ mẹ tôi – mẹ tôi cũng làm cùng xí nghiệp với cha tôi, rằng ngày trước cha tôi hay lái chiếc công nông đó xuống ao, xuống sông lắm, phải nhờ đông người để kéo chiếc xe lên, nhưng người thì chẳng bao giờ làm sao cả, bởi mỗi lần như thế là cha tôi đều nhảy rất nhanh xa khỏi xe. Về sau này, thỉnh thoảng mẹ tôi vẫn kể lại câu chuyện đó trong những lần sum họp gia đình, rồi mọi người cùng cười, cười là bởi đó là một trong những kỷ niệm có tính tai nạn nhưng mà vui của cha tôi.
Khi còn nhỏ, mỗi khi tôi làm sai hay nghịch ngợm quá đáng điều gì đó, cha tôi chẳng bao giờ dùng roi để quất vào mông tôi cả, mà ông thường hay bấu vào phần thịt ở tai, rồi mắng cho tôi một trận tả tơi. Vậy mà ngược lại, cha tôi lai hay can ngăn mẹ tôi mỗi lần tôi “hưởng” đòn roi dạy dỗ từ mẹ, ông nói rằng: “Đánh thế con nó đau, nó chết thì sao!”. Những lúc như thế, ông thương tôi nhiều lắm, và tôi cũng hiểu rằng cha mẹ tôi có thương có yêu thì mới như thế, bởi dân gian có câu: “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”.
Cha tôi cũng cưng tôi lắm, vì tôi là con út trong gia đình năm người con, út ít thì nhỏ tuổi, bao giờ cũng được yêu chiều hơn các anh chị. Hồi tôi nhỏ, tôi được cha tôi gọi một cái tên yêu quý là “cò quăm”, mỗi khi đi đâu đó, cha tôi thường để tôi ngồi trước ở bình đựng xăng trên chiếc xe Simson màu đỏ của ông ấy, rồi vi vu đưa tôi đi. Tôi còn nhớ một kỷ niệm về chiếc xe Simson này của cha tôi trong một lần ra về khi ông ấy đưa tôi xuống ngoại chơi, đây là một chiếc xe khó nổ, cứ đạp nổ được, lên xe ngồi, chào mọi người và vê tay ga một chút là lại tắt máy, rồi lại xuống, lại nổ, lại chào, và cứ như thế, vài lần chào mọi người, chúng tôi mới lên xe đi về nhà được.
Một bức ảnh cũ của gia đình tôi, từ trái sang là anh trai giáp tôi, cha tôi, mẹ tôi và tôi. Còn khi đó chị cả học ở Hà Nội, anh thứ hai học ở Nam Định, chị thứ ba thì người cô nuôi, nên không có trong ảnh.
Điều dễ dàng nhận ra đầu tiên ở cha tôi mà mỗi người thấy đó là mái tóc bạc trắng, tóc ông bạc từ sớm lắm. Khi tôi còn nhỏ, cha tôi thường hay nhờ tôi nhổ tóc bạc cho ông ấy, lúc đó chỉ là vài chục sợi trắng, rồi một vài năm sau đó khi tôi dần lớn, mái tóc ông ấy điểm trắng rõ nét, và bây giờ chắc chắc ông ấy sẽ chẳng nhờ tôi nhổ tóc bạc cho ông ấy đâu, bởi lượng tóc đen của ông ấy bằng với lượng tóc bạc mà khi nhỏ tôi nhổ cho ông ấy. Mọi người thường nói tóc bạc là do máu xấu, điều đó thì chỉ đúng một phần nhỏ, nếu nói trên cách nhìn y học mà nói thì tóc bạc do nhiều nguyên nhân tạo ra như di truyền, rối loạn nội tiết,… Còn tôi nghĩ tóc cha tôi bạc nhiều, phần lớn là vì suy nghĩ cho gia đình và lo toan cho tương lai của những người con.
Cha tôi là người không thích bán những món đồ của ông ấy, cho dù chúng không còn được sử dụng, kể cả có bị hỏng đến mức không thể khắc phục lại được, ông cũng không bán chúng. Trước đây, nhà tôi để riêng một tầng hầm để làm kho chứa đồ, tôi còn nhớ như in ở đó có khoảng 5, 6 chiếc xe đạp cũ kỹ đủ loại như xe đạp thồ, xe Phương Hoàng, có cả chiếc xe máy Simson mà cha tôi không sử dụng nữa, rồi cả chiếc đầu máy kéo của chiếc công nông đầu dọc, và nhiều thứ khác nữa. Trong ông ấy luôn suy nghĩ và dạy rằng những thứ đó nhất định không dùng vào việc này, thì sẽ được dùng vào được khác, không nên vứt bỏ đi, sẽ là phí của, rồi đến lúc tìm cũng không có đâu. Đó là một phần, phần khác tôi nghĩ ông ấy giữ lại vì chúng gắn với mỗi dấu ấn riêng của ông ấy, những chiếc xe đạp kia là của ông bà để lại, chiếc đầu kéo công nông kia là công cụ đầu tiên ông ấy mua để làm việc mưu sinh cho gia đình, chiếc xe máy Simson kia là chiếc xe máy đầu tiên mà ông ấy có được. Về sau này, tôi, những người anh chị và cả mẹ tôi nữa, khuyên ông ấy nên bán những món đồ đấy đi, một phần là bởi chúng dần bị ăn mòn, rồi hỏng quá nhiều, thêm nữa là diện tích nhà lại chặt. Ông ấy cũng hiểu rằng nên làm thế, bởi những thứ gần như không sử dụng được nữa, khi bán đi sẽ được tái chế vào sản xuất gì đó, rồi những món đồ có thể sử dụng được, thì ông ấy bán lại cho những người bạn thân quen của ông, vì ông ấy nghĩ họ sẽ giữ gìn hơn, điều đó cũng là đúng với những gì ông ấy đã dạy.
Cha tôi ngồi đan lại lưới vó.
Cha tôi là một người sống vô tư, điều đó không có nghĩa là ông ấy vô lo, bởi cuộc sống là đầy những lo toan. Ông ấy cũng phải lo học hành rồi cả sự nghiệp cho con cái, ông ấy cũng phải thức khuya, dậy sớm lo mưu cuộc sống gia đình, nhưng trên hết, cách biểu lộ của ông không nhận thấy được ở dáng vẻ bên ngoài được. Ông ấy điềm tĩnh xử mọi tình huống mọi chuyện phức tạp để trở thành những thứ an tâm cho mọi người. Ông ấy là một người bảo thủ nhưng không hề cố chấp, bởi trong tất cả ông ấy đều đưa ra hướng của riêng ông ấy, nhưng không bắt người khác phải theo ông ấy cả.
Cha tôi thích chơi cờ tướng, khi tôi còn nhỏ tuổi ông ấy thường đưa tôi đi theo đến nhà một ông lão ở cùng làng để chơi cờ tướng. Cứ rảnh là ông ấy lại sang nhà ông lão đó chơi, tuy rằng mỗi lần chỉ thắng 1-2 ván, còn đâu là thua ông lão đấy cả, nhưng tôi nghĩ cha tôi là một người chơi cờ loại tốt trong làng, so với những người cùng chơi tốt cờ tướng trong làng thì cha tôi cũng chẳng thua kém gì cả, còn chuyện thua ông lão kia là hiển nhiên với cả những người khác nữa, vì ông lão là người cao cờ nhất làng khi đó mà. Có lẽ cũng chính vì thế mà tôi và cách anh tôi đều được tiếp xúc nhiều với cờ tướng nên chơi cũng khá là hay. Bây giờ, cha tôi cũng làm một khuân viên nhỏ với hàng cây ngũ gia bì rợp mát ông ấy đặt ở đó bộ bàn ghế bên dưới hàng cây ngũ gia bì rợp mát, đặt bên trên bàn đó là bộ bàn cờ để mọi người đến chơi cờ.
Sau khi nghỉ hưu ở xí nghiệp, ngoài sở thích chơi cờ tướng, cha tôi cũng thích cất vó sông. Ông ấy đã dựng vó 3 lần, nhưng thật ra thì là 2 lần ở trước con sông nhà tôi, và 1 lần thì mua lại của một người hàng xóm cũng dựng vó cách nhà tôi mấy nhà. Ông ấy cất vó cũng được nhiều cá đấy, đủ để làm thức ăn cho gia đình, rồi cả bán và cho những người hàng xóm nữa. Với ông ấy, làm được gì thì cứ làm đến lúc có thể, không phải là chuyện mưu sinh, bởi vì cuộc sống hiện tại không đến mức như thế, cha mẹ tôi đều hưởng lương nghỉ hưu, rồi các anh chị tôi cũng thành công trong mỗi gia đình nhỏ, ông ấy giờ an nhàn rồi, ông cất vó vì cho vui cái tuổi già mà thôi.
Mỗi người có một cách nhìn nhận tình cảm yêu thương và cách biểu lộ riêng về người cha khác nhau, hãy đến ôm cha và nói: “Con yêu cha”! Ở mọi lúc, mọi nơi đều có thể làm được điều đó.
“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ,
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha!”
Kẻ lữ hành đi ngược dòng sông
Tháng 05/2015
Trích trong: “Viết về những người tôi thương yêu”